news

Ngành chăn nuôi bước vào chu kỳ mới, dự kiến giá heo sẽ neo cao đến năm 2025

Ngành chăn nuôi bước vào chu kỳ mới, dự kiến giá heo sẽ neo cao đến năm 2025
Theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn, ngành chăn nuôi đang bước vào chu kỳ mới với giá heo hơi dự kiến neo cao đến năm 2025. Hiện giá heo hơi trên cả nước đã lên mức cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Thiếu hụt nguồn cung trong nước lẫn nguồn nhập khẩu

​Giá heo hơi tại một số nơi vào cuối tuần này đã cán mốc 68.000 đồng/kg, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung.

Kể từ giữa tháng 3/2024, giá heo hơi trên cả nước đã duy trì đà tăng tích cực và hiện chạm mức 65.000 đồng/kg ở nhiều địa phương - mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, thậm chí đã ghi nhận mức giá 68.000 đồng/kg ở rải rác một số nơi.

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam với Tạp chí Công Thương, đà tăng của giá heo đang được hỗ trợ chủ yếu nhờ tình trạng nguồn cung heo khan hiếm và một phần do tâm lý trên thị trường.

Tại khu vực miền Bắc, nguồn cung heo nội vùng được một số tổ chức ngành hàng đánh giá không còn nhiều, tồn kho heo biểu to (heo cỡ lớn) còn khá ít. Trong khi đó, mặt bằng giá heo ở cả 3 vùng trên cả nước gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc khá yếu.

Đặc biệt, chênh lệch giá heo tại miền Bắc Việt Nam và các địa phương của Trung Quốc giáp biên giới ở mức thấp, khiến dòng lưu chuyển heo hơi giữa 2 nước vẫn “đóng băng”.

Tương quan giá thịt heo tại thị trường Việt Nam với hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc. (Nguồn: Agromonitor, VCBS)
 

Tương tự tại miền Nam và miền Trung, nguồn cung heo nội vùng ở mức thấp. Đáng chú ý, chênh lệch giá heo giữa Việt Nam và Thái Lan hồi giữa tháng 3 đã lên tới 20.000 đồng/kg, với mức giá hấp dẫn này, heo Thái Lan đã được nhập nhiều về Campuchia và được dự đoán sẽ được đưa về Việt Nam.

Tuy nhiên, sang tháng 4, heo Thái Lan vẫn chưa được ghi nhận nhập về nước ta. Nguyên nhân chủ yếu do các cửa khẩu tại miền Trung siết chặt kiểm dịch khi Thái Lan ghi nhận dịch nhiệt thán bùng phát trên gia súc. Đồng thời, mức chênh lệch giá heo giữa Việt Nam và Thái Lan đã dần thu hẹp về chỉ còn 11 - 15.000 đồng/kg, trong khi các chi phí vận chuyển có xu hướng tăng đã khiến phần lớn thương lái không còn thấy hấp dẫn.

Tương quan giá thịt heo tại thị trường Việt Nam và Campuchia. (Nguồn: Agromonitor, VCBS)

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Agromonitor, lượng heo từ Campuchia về Việt Nam cũng bắt đầu giảm dần kể từ đầu tháng 4, còn quanh 2.000 con/ngày, do nước này bước vào dịp Tết cổ truyền. Đồng thời, chênh lệch giá heo giữa Campuchia và Việt Nam xuống thấp khi giá heo hơi tại Campuchia hiện đã quanh khoảng 60.500 - 61.000 đồng/kg.

Chu kỳ ngành heo mới dự kiến kéo dài 2 năm

Đáng chú ý, các dữ liệu hiện cho thấy nhu cầu tái đàn trong nước đang giảm đáng kể. Tổng lượng heo giống nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt 5.457 con, giảm 31% so với năm 2022. Sang quý 1/2024, lượng heo giống nhập về khá lai rai, chỉ còn 565 con, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo chia sẻ mới đây của ông Ngô Cao Cường - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE), giá heo hơi đang tăng cao trở lại chủ yếu đến từ yếu tố nguồn cung. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung con giống, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang phải nhập heo giống với chi phí cao.


Chu kỳ giá heo hơi tại thị trường trong nước từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: BaF Việt Nam)

Theo Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam, đợt dịch ASF vừa rồi gây ảnh hưởng có thể lên đến 1 triệu heo trên cả nước. Trong khi đó, cả doanh nghiệp chăn nuôi lẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn và cần chờ đến ít nhất tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Với diễn biến thị trường như hiện tại, giá heo hơi dự kiến sẽ lên khoảng 70.000 đồng/kg vào cuối quý 2 này và có thể được duy trì trong phần lớn thời gian năm nay, ông Ngô Cao Cường nhận định.

Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) cho biết, chu kỳ tăng giá của ngành heo thường diễn ra trong 2 năm và chu kỳ trước mắt dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.

Các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng sẽ “ăn trọn” lợi nhuận mảng heo trong năm tới giữa bối cảnh dịch ASF vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ có các doanh nghiệp lớn đã đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh mới có thể yên tâm tái đàn.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước phải ngưng hoạt động.

Các chuyên gia đánh giá, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.

Nguồn:tapchicongthuong

Liên hệ cho chúng tôi qua Zalo
Liên hệ cho chúng tôi qua Facebook
Liên hệ cho chúng tôi qua Youtube
Liên hệ cho chúng tôi qua Tiktok
Liên hệ cho chúng tôi qua Hotline