Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 29,2 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2024
6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, lâm sản chính 7,95 tỷ USD, thủy sản 4,36 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến quả quyết mục tiêu XK 54 tỷ USD năm nay chắc chắn đạt được..
Phát biểu tại Họp báo thường kỳ quý II/ 2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp báo.
Trong bối cảnh đó, Bộ và toàn Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Theo đó, tổng kim ngạch XK NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng gần 21 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%.
Đóng góp vào kết quả trên, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị XK.
6 tháng đầu năm, XK gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều đạt 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá XK bình quân tăng 50,4% nên giá trị XK đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường XK: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị XK sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những kết quả trên có được là nhờ toàn ngành nông nghiệp đã và đang tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy XK NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, XK NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tập trung vào giải ngân đầu tư công, trong đó tập trung vào hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng logistics, thủy sản, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khoa học công nghệ; đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…
Đối với ngành chăn nuôi sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là các bệnh Dịch tả lơn châu Phi, bệnh Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục…). Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Ngành thuỷ sản tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, với kết quả xuất khẩu toàn ngành đạt 29 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chắc chắn cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu 55 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 56-57 tỷ USD.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TTXVN , cucchannuoi