news

Tin thị trường ngành thịt trong nước và thế giới Quý 1 năm 2024

Thị trường thế giới

 Trong quý I/2024, giá lợn hơi tại Trung Quốc tăng nhẹ do nguồn cung giảm. Cuối tháng 4/2024, giá lợn nạc tại Chicago Hoa Kỳ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I/2024, ngành chăn nuôi lợn ghi nhận một số tín hiệu tích cực về tiêu thụ và giá. Tất cả quốc gia sản xuất chính đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn này do nguồn cung thắt chặt. Giá lợn hơi tại Trung Quốc trong quý I/2024 tăng nhẹ khi nguồn cung giảm. Theo giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc, đến giữa tháng 4/2024, giá lợn trung bình trên toàn quốc ở mức 15,4 Nhân dân tệ/ kg, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng thịt và đàn lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2024. Trong tháng 4/2024, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần biến động mạnh, sau khi tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 23/4/2024 (lên mức 98,38 UScent/lb), giá giảm trở lại trong mấy phiên cuối tháng, nhưng vẫn tăng mạnh so với tháng trước. Ngày 26/4/2024, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 95,5 UScent/lb, tăng 9,2% so với cuối tháng 3/2024 và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo quý công bố ngày 11/4/2024 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự báo đạt 115,6 triệu tấn trong năm 2024, giảm 0,6% so với năm 2023 do sản lượng ở Trung Quốc giảm, nhưng thị trường vẫn được bù đắp bởi sản lượng tăng ở EU, Hoa Kỳ và Bra-xin.

Sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc được dự báo sẽ thấp hơn 3% so với năm 2023, có thể là hậu quả của việc giá lợn thấp kéo dài trong năm 2023 khiến ngành chăn nuôi lợn nước này bị thu hẹp. Năm 2024, mức tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc ước tính đạt 114,5 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2023. Trung Quốc, chiếm 48,4% sản lượng thế giới, dự kiến sẽ sản xuất 56 triệu tấn thịt lợn trong năm 2024, giảm 3,4% so với năm 2023. Khối lượng nhập khẩu thịt lợn dự báo sẽ đạt 1,9 triệu tấn, giảm 1,2% so với năm 2023. Sản lượng thịt lợn của EU được dự báo tăng 2% so với năm 2023, lên 21,2 triệu tấn trong năm 2024. Giá lợn con và lợn móc hàm tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất bắt đầu tái đàn lợn nái trở lại vào cuối năm 2023 và dẫn đến sản lượng lợn cao hơn trong năm nay. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn dự kiến sẽ cải thiện lợi nhuận của ngành và tăng trọng lượng lợn.

Bra-xin: Sản lượng thịt lợn của Bra-xin được dự báo sẽ tăng 4%, lên 4,6 triệu tấn trong năm 2024 do các nhà sản xuất tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí sản xuất thấp hơn. Sản xuất của Bra-xin dự kiến cũng sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu trong nước cải thiện và nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ do Bra-xin vẫn là nhà cung cấp có chi phí thấp nhất. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự báo sẽ đạt 3,7 triệu tấn trong năm 2024, tăng 3,8% so với năm 2023; Trong khi nhập khẩu đạt 120 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Xuất khẩu thịt lợn thế giới dự kiến sẽ đạt 10,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2023, do khối lượng xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu chính, bao gồm Hoa Kỳ, EU, Bra-xin và Ca-na-da dự kiến sẽ tăng. Trong khi đó, nhập khẩu sẽ đạt 9,4 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2023.

Trung Quốc: Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng thịt lợn của nước này trong quý I/2024 đạt 15,83 triệu tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc đã ban hành kế hoạch kiểm soát năng lực sản xuất lợn, điều chỉnh mục tiêu số lượng lợn nái từ 41 triệu con xuống còn 39 triệu con.

Cuối tháng 3/2024, số lượng lợn nái giống trên cả nước Trung Quốc đạt 39,92 triệu con, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 102,4% của mục tiêu 39 triệu con. Bộ này hy vọng rằng với xu hướng giảm số lượng lợn con sơ sinh, cung và cầu thị trường lợn trong quý II/2024 sẽ được cân bằng hơn và chăn nuôi lợn có thể có lãi trở lại.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,63 triệu tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 5,84 tỷ USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 17,2% về trị giá so cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Úc. Trừ Ác-hen-ti-na và Úc, lượng thịt nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 thị trường còn lại đều giảm so cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu 771,27 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 0201; 0202), với trị giá 3,68 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Úc và Niu Di-Lân. Trừ Niu Di-Lân lượng thịt trâu, bò nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Bra-xin là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong quý I/2024, chiếm 42,88% trong tổng lượng thịt trâu, bò nhập khẩu của Trung Quốc, với 330,75 nghìn tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu 205,55 nghìn tấn thịt và phụ phẩm của gia cầm (HS 0207), với trị giá 650,24 triệu USD, giảm 39,1% về lượng và giảm 41,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Thái Lan, Nga, Hoa Kỳ và Bê-la-rút. Lượng thịt và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm so cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Bra-xin là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và phụ phẩm của gia cầm cho Trung Quốc trong quý I/2024, chiếm 57,6% trong tổng lượng thịt và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu của Trung Quốc, với 118,38 nghìn tấn, trị giá 331,24 nghìn USD, giảm 22% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh trong quý I/2024. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2024, Trung Quốc nhập khẩu 253,13 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 497,06 triệu USD, giảm 52,1% về lượng và giảm 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Các thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc trong quý I/2024 gồm: Bra-xin, Tây Ban Nha, Ca-na-da, Hà Lan, Hoa Kỳ, Chi lê, Anh, Đan Mạch… Lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Bra-xin là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc, chiếm 27,92% trong tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I/2024, với 70,66 nghìn tấn, trị giá 151,22 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường trong nước

Trong quý I/2024, ngành chăn nuôi Việt Nam ghi nhận các số liệu tăng trưởng khá tích cực. Tình hình chăn nuôi lợn trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 3/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có tốc độ tăng trưởng chăn nuôi khá cao do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và cho sản phẩm.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I/2024 ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1,29 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023; Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 132,5 nghìn tấn, tăng 1,5%; Sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 594 nghìn tấn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đàn gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Trong quý I/2024, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng mạnh, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán thúc đẩy tiêu thụ. So sánh giá lợn hơi trung bình quý I trong các năm gần đây cho thấy, giá trung bình quý I/2024 cao hơn gần 5.000 đồng/kg (tăng 9,7%) so với cùng kỳ năm 2023.

Giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 4/2024. Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giao dịch quanh ngưỡng 60.000- 64.000 đ/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2024. Thời gian tới, dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cơ bản được bảo đảm, nhu cầu tiêu thụ không tăng cao khi thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng. Dự báo giá thịt gia súc, gia cầm có khả năng giảm trở lại do nắng nóng, tiêu thụ chậm.

TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU THỊT VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ THỊT CỦA VIỆT NAM

Tình hình xuất khẩu:


Trong quý I/2024, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu được 5,34 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 23,67 triệu USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 47,79% về lượng và chiếm 66,19% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với 2,55 nghìn tấn, trị giá 15,66 triệu USD, giảm 0,5% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với quý I/2023.

Trong quý I/2024, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Xing-ga-po); Thịt ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ…); Chân gà đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Lào…); Thịt lợn nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Ma-lai-xi-a…); Thịt trâu, bò tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (được xuất khẩu sang thị trường Lào, Căm-pu-chia)… Đáng chú ý, trừ chân gà đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt còn lại đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình nhập khẩu:

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2024, Việt Nam nhập khẩu trên 171,54 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 345,36 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Quý I/2024, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trừ Hoa Kỳ, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 47,49 nghìn tấn, trị giá 148,01 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu, thịt bò có xu hướng tăng; trong khi nhập khẩu thịt lợn lại giảm so với cùng kỳ năm 2023. Quý I/2024, Việt Nam nhập khẩu 11,45 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 25,98 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. Bra-xin là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 4,2 nghìn tấn, trị giá 9,53 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: Bản tin thị trường Nông, Lâm, Thủy sản  - nhachannuoi
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương)

Liên hệ cho chúng tôi qua Zalo
Liên hệ cho chúng tôi qua Facebook
Liên hệ cho chúng tôi qua Youtube
Liên hệ cho chúng tôi qua Tiktok
Liên hệ cho chúng tôi qua Hotline