news

THỜI CỦA THỊT, SỮA NGOẠI


Thời của thịt , sữa ngoại
 Không phải đợi đến lúc Việt Nam đàm phán và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) người ta mới lo ngành chăn nuôi sẽ thua trên sân nhà. Đơn giản, những hiệp định thương mại Việt Nam đã và đang ký với các nước trong khu vực cũng đang khiến ngành chăn nuôi "lên bờ xuống ruộng".
Nhập khẩu tăng vọt
Trong hai năm lại đây, không phải ngẫu nhiên mà lượng bò Úc được Việt Nam nhập khẩu về ngày một tăng. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2012, Việt Nam chỉ nhập 3.500 con bò Úc, con số này tăng lên 67.000 con vào năm 2013 và tính đến hết năm 2014 bò Úc nhập về Việt Nam 181.500 con. Như vậy, chỉ trong giai đoạn  2012 - 2014, lượng bò Úc nguyên con được Việt Nam nhập về đã tăng gần 52 lần.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhập thịt bò Úc ồ ạt như vậy, phần nào có sự ảnh hưởng từ Hiệp định thiết lập khu vực thương mại tự do Asean - Úc - New Zealand (Hiệp định AANZFTA) nhằm xây dựng nên khuôn khổ pháp lý ổn định, thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước. Hiệp định AANZFTA có hiệu lực từ 1/1/2010 với Úc, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Myanmar và Brunei.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường được đánh giá cao về tiềm năng tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu. Giữa tháng 3, một phái đoàn các nhà chăn nuôi và xuất khẩu thịt do ông Gerry Ritz, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi châu Á "bán thịt" của mình. Theo ông Gerry Ritz, mỗi năm, giá trị xuất khẩu thịt bò của Canada khoảng 2 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm 20% giá trị. Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường quan trọng ở châu Á.
            Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nguồn sữa sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng sữa tiêu thụ của các công ty sữa trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Như vậy, với sự tăng trưởng mạnh của đàn bò sữa, lượng sữa cung cấp cho thị trường nội địa sẽ nhiều hơn, Việt Nam sẽ giảm vào nguồn nhập khẩu.
Một tháng sau, khi phái đoàn của ông Gerry Ritz đến Việt Nam chào bán thịt, một phái đoàn khác của Ủy ban châu Âu (EC) cũng đến Việt Nam quảng bá thịt bò, lợn. Theo số liệu của Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI), trong ba quý đầu của năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò, thịt lợn từ châu Âu với tổng giá trị 3,3 triệu USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2013.
Thêm một lần nữa, UPEMI nhắc lại câu nói mà phía Canada đã nói đúng một tháng trước khi gặp gỡ báo chí tại TP Hồ Chí Minh: Việt Nam là thị trường có sức tiêu thụ mạnh sản phẩm thịt bò, thịt lợn.
Khi Việt Nam tham gia TPP, chuyện gì xảy ra với ngành chăn nuôi trong nước, khi mà lâu nay vẫn đang trong cuộc chiến không cân sức với thịt bò từ Úc, thịt gà đông lạnh từ Hàn Quốc (cũng vừa ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam) hay thịt bò, lợn từ Cannada, Mỹ, hai nước có thêm trong vòng đàm phán TPP. Chưa kể, Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU dự kiến được ký trong thời gian tới. Như vậy, viễn cảnh thị trường hơn 90 triệu dân nước ta trở thành "cối xay thịt" cho các nước có thế mạnh chăn nuôi như Úc, châu Âu, Mỹ, Canada…
 Không chỉ có thịt
TPP là thỏa thuận thương mại tự do (Free trade Agreement, FTA)  giữa các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương bao gồm 12 quốc gia Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam. Nếu hiệp định được ký kết như thỏa thuận khung, tất cả các rào cản về thuế quan cũng như không thuế quan (rào cản kỹ thuật…) trong thương mại, đầu tư giữa các thành viên sẽ được bãi bỏ. 
Việc này sẽ tạo ra một cơ hội rất lớn cho các quốc gia thành viên hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; gia tăng hàng hóa xuất khẩu cũng như để tăng GDP của chính mình. Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là đối với các nước có trình độ sản xuất, nguồn lực kém hơn. Đó là ngành chăn nuôi bò sữa trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng bò sữa cả nước năm 2014 là 227.600 con, tăng 22,1% so năm 2013 và tăng hơn 66% so năm 2010. Tốc độ tăng hằng năm từ năm 2010 đến năm 2014 là 14%. Sản lượng sữa trong nước sản xuất ước tính 549.533 tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ năm 2013.
Nguyên nhân tăng mạnh đàn bò sữa trong nước là sự tham gia của cả những ông lớn trong ngành nông nghiệp như Vinamilk, T.H True Milk lẫn những đại gia bất động sản như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… Bên cạnh đó, ở quy mô nông hộ và trang trại gia đình, số lượng hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ (quy mô 2 - 3 con) đã giảm và lượng hộ chăn nuôi quy mô trung bình 7 - 10 con/hộ đã tăng và nhiều trang trại quy mô công ty cũng được đầu tư xây dựng.
Song, tin vui chưa kịp mừng. Theo báo cáo hằng năm của tổ chức Tổ chức đối chứng thông tin nông nghiệp quốc tế (IFCN) tại 104 trang trại ở 46 nước cho thấy, năm 2014 giá thành sản xuất sữa trên thế giới trung bình 42 USD/100 kg sữa ECM (sữa quy chuẩn chất lượng) tương đương 8.880 đồng/kg (tỷ giá 21.100 VNĐ/1 USD), thấp hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay.
Quay lại chuyện TPP. Trong các nước tham gia TPP, ba nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường nông sản sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Australia. Việt Nam có thể bảo vệ ngành sản xuất sữa chỉ còn dựa vào hàng rào kỹ thuật. Theo thỏa thuận giữa các bên, các bên có quyền đưa ra các hình thức bảo hộ kỹ thuật như TBT (Technical Barriers to Trade) hoặc SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures) để kiểm soát việc nhập khẩu sản phẩm sữa.
Tuy nhiên, trên thực tế, "cây đũa thần” này Việt Nam khó áp dụng được; đơn giản, Việt Nam chưa có đủ nguồn nhân lực, phương tiện và kỹ năng để đảm bảo tuân thủ các biện pháp này của sữa nhập khẩu vào Việt Nam. Vì thế, muốn vượt thách thức TPP, ngành sữa việt Nam, nhất là người chăn nuôi bò sữa Việt Nam, phải nâng cao tính cạnh tranh trong chuỗi sản xuất từ hộ chăn nuôi đến nhà máy.
 
Liên hệ cho chúng tôi qua Zalo
Liên hệ cho chúng tôi qua Facebook
Liên hệ cho chúng tôi qua Youtube
Liên hệ cho chúng tôi qua Tiktok
Liên hệ cho chúng tôi qua Hotline