THỊ TRƯỜNG HEO HƠI HÌNH THÀNH MẶT BẰNG GIÁ MỚI
Khoảng 2 tháng trở lại đây, tại Đồng Nai giá heo hơi liên tục tăng và hiện đang dao động từ 59-61 ngàn đồng/kg, cao hơn cả chục ngàn đồng/kg so với trước đó. Đây là mức giá người chăn nuôi đã có lợi nhuận sau thời gian dài gồng mình gánh lỗ.
Trại heo công nghiệp quy mô lớn tại H.Cẩm Mỹ
Dự báo thời gian tới, thị trường heo hơi sẽ tiếp tục giữ đà tăng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tốt hơn trong khi nguồn cung giảm.
Người nuôi có lợi nhuận
Sau Tết Nguyên đán 2023, giá heo hơi có thời điểm chỉ có giá hơn 40 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Bắt đầu từ quý II năm 2023, giá heo hơi có dấu hiệu tăng giá trở lại và đà tăng này được đẩy mạnh từ đầu tháng 5 đến nay và hiện đã vượt ngưỡng 60 ngàn đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Nguyên nhân giá heo hơi hình thành mặt bằng giá mới ở mức cao so với những tháng đầu năm do nguồn cung bắt đầu giảm mạnh. Theo thương lái và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, giá heo hơi tăng trở lại do nguồn cung giảm mạnh khi người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng nuôi sau nhiều tháng dài gồng lỗ. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến hết Quý I năm 2023, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 2,5 triệu con, giảm hơn so với thời điểm đầu năm.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ Quý II năm 2023, giá heo hơi tăng và thị trường sẽ ngày càng khởi sắc khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục và việc Trung Quốc phục hồi kinh tế, giá heo tại nước này đi lên có thể ảnh hưởng một phần thị trường Việt Nam.
Chăn nuôi nhỏ lẻ kém cạnh tranh
Tuy ngành chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận khi giá heo hơi đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với những tháng đầu năm nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại tái đàn. Ngành chăn nuôi tiếp tục dịch chuyển theo xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ bị thu hẹp nhường chỗ cho chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn theo chuỗi khép kín có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Trung, nông dân nuôi heo tại xã lộ 25, H.Thống Nhất cho biết, với giá heo hơi thương lái thu mua như hiện nay, trại nào chăn nuôi chủ động được nguồn heo giống đã bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thời gian qua đã treo chuồng hoặc giảm đàn mạnh hiện chưa tính đến chuyện tái đàn ngay. Nguyên nhân, các hộ chăn nuôi khó khăn về đồng vốn sau thời gian dài thua lỗ. Người chăn nuôi vẫn e ngại tái đầu tư khi tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi vẫn cao. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao ngất ngưỡng cũng là lý do để người chăn nuôi phải tính toán kỹ khi quyết định tái đàn trở lại.
Đây cũng là nguyên nhân ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển đổi xu hướng giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp. Theo số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh, những năm trước, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao trong tổng đàn chăn nuôi nhưng hiện nay, chăn nuôi nông hộ chỉ chiếm khoảng 10% tổng đàn với gần 6,3 ngàn hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm, sau suốt thời gian dài thua lỗ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như đều kiệt quệ. Thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ. Với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục đứng ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh, dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa nghĩ đến chuyện tái đầu tư trở lại.
Nguồn: Báo Đồng Nai