THAY ĐỔI NHẬN THỨC VỀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI
Đã đến lúc, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cần được nhìn nhận nghiêm túc, trách nhiệm, vì sự phát triển của chính ngành chăn nuôi Việt Nam và toàn xã hội.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Quang Linh.
Nhận thức về kháng sinh của người dân còn hạn chế
Tại một số địa phương, người chăn nuôi có thói quen điều trị theo kinh nghiệm như tiêm đến lúc khỏi mới thôi hay vô tư sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hại khi lạm dụng kháng sinh.
“Hiện nay, Luật Chăn nuôi và Luật Thú y đã quy định rất rõ về các trường hợp được phép sử dụng kháng sinh, rồi sử dụng như thế nào cho đúng và hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nơi bà con mình làm chưa đúng luật. Vẫn còn tình trạng người chăn nuôi tự mua kháng sinh về sử dụng mà không cần hỏi ý kiến của bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề. Thậm chí có nơi còn mua kháng sinh cho người để dùng cho động vật”, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu thực trạng đáng báo động về nhận thức của người dân khi sử dụng kháng sinh cho vật nuôi.
Trong nhiều năm qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) liên tục khuyến cáo các hộ chăn nuôi tại các quốc gia đang phát triển cần hạn chế tối đa việc kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh không có chỉ dẫn.
Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Toàn Thắng cho rằng, việc sử dụng kháng sinh là điều không thể tránh khỏi khi vật nuôi bị bệnh, nhất là trên số lượng và phạm vi lớn. Nhưng làm sao để sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng liều lượng, đúng liệu trình đòi hỏi sự thay đổi nhận thức rất lớn từ người dân.
“Quan trọng nhất là phải chuẩn đoán đúng bệnh. Các trang trại lớn cần hợp tác với các trung tâm, đơn vị nghiên cứu có chức năng chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh trong phòng thí nghiệm để biến chính xác bệnh do vi khuẩn hay do virus, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng. Từ đó mới lựa chọn dùng kháng sinh hay dùng các biện pháp thay thế khác.
Đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và trung bình, khi có các dấu hiệu của dịch, bệnh trên đàn vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để có các phương pháp chuẩn đoán, xét nghiệm kịp thời để chọn ra các phương pháp phòng, trị bệnh phù hợp”, ông Hà Minh Tuân cho hay.
Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Thuốc Thú y Toàn Thắng. Ảnh: Quang Linh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là kim chỉ nam từ nhiều đời nay của ông cha ta, điều này càng đúng trong việc giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là đừng để vật nuôi bị bệnh.
Các nước có nền chăn nuôi phát triển gần như không điều trị bệnh trên động vật làm thực phẩm mà thực hiện các giải pháp phòng bệnh từ xa. Các trường hợp được điều trị chỉ dừng lại ở mức cá thể theo các quy định về phúc lợi động vật.
Các chuyên gia cho rằng, trước khi nghĩ cách giảm sử dụng kháng sinh khi vật nuôi bị bệnh, người nuôi cần coi phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh để luôn gia tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ông Phạm Kim Đăng nhấn mạnh, bà con cần coi giải pháp an toàn sinh học là yếu tố đầu tiên và quyết định trong việc giảm sử dụng kháng sinh.
“Các giải pháp an toàn sinh học không chỉ bảo vệ sức khỏe vật nuôi mà còn bảo vệ chính sức khỏe cho người chăn nuôi và gia đình của họ, sâu xa hơn nữa là sức khỏe của cộng đồng”, ông Phạm Kim Đăng cho hay.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải nghiêm túc thay đổi nhận thức về sử dụng kháng sinh. Ảnh: Quang Linh.
Đứng trước thực trạng về kháng kháng sinh tại Việt Nam còn nhiều bất cập trong quy định về việc cung cấp thuốc kháng sinh trong y tế và chăn nuôi.
Điều này đòi hỏi các cấp các ngành tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp với nhau trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Việc phối hợp cần dựa trên cách tiếp cận một sức khỏe, vì con người, động vật, thực vật và môi trường có mối liên hệ qua lại với nhau ở trên các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, các cấp các ngành.