TẬN DÙNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC ĐỂ GIẢM CHI PHÍ CHĂN NUÔI
Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu.
Giá thức ăn chăn nuôi đã liên tục tăng từ cuối năm 2020 và nay lại thêm căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến cho giá nhiều nông sản như ngô, lúa mì, đậu tương… tiếp tục có xu hướng tăng thêm.
Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Bài toán chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi tiếp tục được đặt ra với tính cấp thiết hơn.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Cụ thể, ngô tăng 12,5%; khô dầu đậu tương tăng 17,65%; cám mì tăng 3%; cám gạo tăng trên 17%... Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng theo.
Dự báo trong thời gian tới, giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung do căng thẳng Nga-Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thức ăn chăn nuôi chiếm đến từ 65-70% giá thành sản xuất.
Mỗi năm, cả nước sử dụng từ 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Riêng chăn nuôi, thức ăn công nghiệp đạt gần 20 triệu tấn. Điều này cho thấy, mức độ công nghiệp hóa ngành thức ăn chăn nuôi đang rất mạnh.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán đánh giá, hiện giá thành sản xuất lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg. Nếu đàn lợn tăng trưởng không tốt, bị dịch bệnh thì giá thành có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá lợn hơi thường ở mức hơn 50.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đang “gồng mình” gánh lỗ.
Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, với tình hình giá thức ăn tiếp tục tăng như hiện nay, nhiều trại có nguy cơ “treo” chuồng. Thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.
Nhằm giảm chi phí thức ăn, một số hộ chăn nuôi đã dùng các loại thức ăn mới, tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập. Cách của anh Lê Minh Hiếu ở xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi, bổ sung nguồn đạm thay thế thức ăn công nghiệp.
Anh Lê Minh Hiếu cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen trong hỗn hợp cấy vi sinh đã giúp anh giảm rất nhiều chi phí trong chăn nuôi. Anh dùng chế phẩm sinh học kết hợp với mật mía và nước sạch, sau đó anh cho ấu trùng ruồi lính đen mới nở vào môi trường này sinh sống.
Với diện tích khoảng 200m2, với mỗi lần nuôi khoảng 100 gram trứng sẽ ra được 300kg ấu trùng thương phẩm trong 12 ngày, ấu trùng này anh Hiếu sẽ thu hoạch và làm thức ăn cho vật nuôi của gia đình.
Hay từ nhiều năm nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi giun trùn quế làm thức ăn cho vật nuôi. Loại thức ăn này còn dễ sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm sạch với hàm lượng chất đạm cao.
Anh Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, thức ăn được phối trộn từ giun quế kết hợp với thóc, bột ngô. Gà được nuôi bằng giun quế có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc các bệnh thường gặp, mà giá bán sản phẩm lại gấp từ 1,5-2 lần so với gà nuôi bằng cám công nghiệp.
Không chỉ chủ động thức ăn cho đàn vật nuôi, anh Hòa còn nhận thấy, nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi còn giúp xử lý chất thải chăn nuôi, làm sạch môi trường hiệu quả.
Đặc biệt hàng năm, Việt Nam có khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, gần 90 triệu tấn bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm thủy sản… có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, lợn, gia cầm, thay thế một phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu.
Đây là tiềm năng to lớn chưa được khai thác hiệu quả và là nguyên liệu đầu vào của quá trình nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Nguyễn Tất Thắng – Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi. Với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy, sẽ giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm tăng lên.
Theo các chuyên gia, các hộ chăn nuôi cũng cần tăng cường xây dựng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của doanh nghiệp giúp chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu. Từ đó, nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong liên kết với nhà cung cấp để có thể thương lượng được mức giá ưu đãi khi mua với số lượng lớn cho các thành viên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã bàn với các hiệp hội và doanh nghiệp tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để phát triển các loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp để giảm áp lực trong bối cảnh giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Với nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, thủy sản… có thể chế biến và thay thế một phần cho nguyên liệu đầu vào. Những nguyên liệu như vi lượng, một số chế phẩm sinh học chưa sản xuất được thì thời gian tới cần nghiên cứu và phát triển.
Việc phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; thúc đẩy nhanh việc chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng cỏ, cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là điểm nhấn trong xây dựng đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.
Với định hướng của ngành, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành cùng đồng hành triển khai hàng loạt giải pháp thì sẽ giảm giá thành đầu vào cho chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.