ĐỆM LÓT CHUỒNG SINH HỌC: LỢI ÍCH KÉP CHO NGƯỜI CHĂN NUÔI
Đệm lót chuồng sinh học: Lợi ích kép cho người chăn nuôi
Hiệu quả về kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường là 2 yếu tố quan trọng được nhiều người chăn nuôi quan tâm. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã triển khai thành công 20 mô hình trình diễn nuôi heo an toàn sinh học tại các huyện Hớn Quản, Đồng Phú và thị xã Bình Long. Từ tháng 6 đến tháng 11-2014, trung tâm tiếp tục triển khai 8 mô hình nuôi heo an toàn sinh học ở 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, trong đó ưu tiên lựa chọn thực hiện ở các xã nông thôn mới.
GIẢM CHI PHÍ, TĂNG LỢI NHUẬN
Ông Dương Hữu Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lương (TX. Bình Long) cho biết: “Được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, tôi làm đệm lót sinh học trên nền 3 khu chuồng cũ có diện tích khoảng 100m2 và thả nuôi 80 con heo thịt. Thanh Lương có phong trào chăn nuôi mạnh, có gia đình nuôi tới 50 ngàn con gà, vài trăm con heo thịt. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi được người dân ở đây tích cực hưởng ứng. Nuôi heo trên đệm lót sinh học vừa tiết kiệm chi phí điện, nước (vệ sinh chuồng trại...) vừa giữ ấm cho heo. Xã có 4 hộ đang thực hiện mô hình này.Hiện phần lớn các hộ trên địa bàn tỉnh chỉ chăn nuôi heo theo kinh nghiệm, chưa áp dụng quy trình an toàn sinh học. Sự chênh lệch về trình độ dân trí, kinh tế ở các vùng, nhất là vùng sâu, xa, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng con giống... đang là những hạn chế khiến thu nhập của người chăn nuôi chưa cao.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Chế phẩm Balasa làm đệm lót tạo môi trường không ô nhiễm, giảm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập. Đó là mục đích trung tâm hướng đến hơn 2 năm qua”.
“Lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn, chất lượng nạc cao hơn do heo không bị tích tụ mỡ dưới da để chống lạnh so với sử dụng nền chuồng xi măng, khi tắm, vệ sinh chuồng trại làm giảm thân nhiệt của heo gây ra; móng heo cũng không bị tổn thương. Điều tôi tâm đắc nhất là nuôi heo trên đệm lót này không gây mùi hôi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sau mỗi đợt heo xuất chuồng thì điện i-ốt trở thành phân bón sạch cho cây trồng, lợi cả trồng trọt và chăn nuôi”- ông Đảng phân tích.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Trở ngại lớn nhất trong chăn nuôi là mùi hôi của phân thải ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nuôi và môi trường xung quanh. Trước đây, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc về việc chăn nuôi của hàng xóm, các trang trại. Ông Đảng vui vẻ: “Khi sử dụng đệm lót Balasa, tôi không còn tốn công dọn chuồng. Cả tuần không cào xới nhưng mùi hôi không bay ra ngoài”.Anh Huỳnh Hào, cán bộ trung tâm cho biết: “Chuồng chăn nuôi bằng đệm lót sinh học không có mùi là do trong men sử dụng có nhóm các vi sinh vật với chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong phân thành chất không mùi, giảm triệt để mùi hôi. Phân và nước tiểu của heo thải ra sẽ nuôi vi khuẩn men sinh học phát triển. Và chính lớp men này sẽ phân hủy toàn bộ phân, nước tiểu của heo”.
Đối với gà, chỉ cần rải một lần, không cần quét dọn cũng hạn chế tối đa mùi hôi. Chuồng luôn khô, lông không bị dính phân nên gà phát triển nhanh hơn. Sau mỗi lứa gà chỉ cần phun thuốc phòng dịch, chuồng nuôi liên tục qua 5 lứa vẫn phát triển bình thường, không lo mầm bệnh. Phân gà thải ra có thể đem bón trực tiếp cho cây.
Kỹ sư nông nghiệp Đỗ Thị Thanh Hương ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến (Đồng Phú) có trang trại chăn nuôi gà đông tảo, chim trĩ rộng 2.500m2. Gia đình chị đã xây nhà ở tại trang trại. Dù trong chuồng lúc nào cũng có hàng ngàn con gà đông tảo, chim trĩ các loại nhưng không bị ảnh hưởng bởi phân chuồng. Chị Hương cho biết: “Sử dụng đệm lót Balasa trong chăn nuôi đã giúp gia đình tôi giảm chi phí thuốc phòng, chữa bệnh cho đàn gà, chim. Thảm êm, chim và gà còn được vận động nhiều nên thịt chắc và thơm ngon hơn. Đặc biệt, môi trường sống trong lành, an toàn giúp tôi an tâm chăm sóc tốt cho con trai gần 2 tuổi”.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã, đang mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội. Ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ít kinh phí đầu tư còn phù hợp với các hộ ít vốn. Đây cũng là cách làm hay để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển chăn nuôi theo hướng lâu dài. “Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cũng là thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất độc canh, số lượng ít, chuyển sang chăn nuôi trang trại tập trung đa canh với số lượng lớn, góp phần tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Điều đó cũng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường” - bà Tuyết khẳng định.