news

CÁC BIỆN PHÁP GIẢM CHI PHÍ THỨC ĂN TRONG CHĂN NUÔI HEO – PHẦN 2: QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

7. Vận hành, bảo trì và thiết kế máng ăn phù hợp cho heo.
 Theo J.Carr ước tính, 10% thức ăn cho heo sử dụng trong trang trại bị lãng phí (theo tạp chí heo, 2008). Trong đó chủ yếu là do thức ăn bị tồn đọng lại trong đường ống và trong máng. Vì vậy nếu chúng ta kiểm tra, điều chỉnh máng ăn đều đặn hằng ngày thì sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu chi phí thức ăn và cải thiện đáng kể chỉ số ADG (tăng trọng/con/ngày).


Có rất nhiều kiểu máng khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau (ví dụ như heo con, heo vỗ béo, heo nái). Một số nghiên cứu còn cho thấy thức ăn chăn nuôi ướt giúp heo tăng trọng tốt hơn thức ăn khô nhưng đa phần các điều kiện trong trại không thể phù hợp với thức ăn ướt (bảo quản, kiểm soát nấm mốc, lên men…).
 
Điều quan trọng là các máng ăn cần phải có kích thước vừa đủ với số heo trong mỗi ô chuồng. FCR sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có quá nhiều heo/1 máng ăn. Một cuộc khảo sát của Morrison và các cộng sự năm 2003 cho thấy chỉ số FCR cải thiện đáng kể từ 2,64 xuống chỉ còn 2,46 khi giảm số heo/ô chuồng từ 15 xuống còn 9 con/ô.
 
8. “Mô hình hóa” các chỉ số về nhu cầu của heo trong trại một cách cụ thể, chi tiết bằng các bảng số, biểu đồ.
Chúng tôi biết tầm quan trọng của việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của heo, nhưng để làm được điều đó chúng ta phải theo dõi và nắm được chính xác nhu cầu của chúng. Mặc dù các dữ liệu về di truyền học có thể cung cấp những thông tin này nhưng cách tốt nhất để có được nó là chúng ta tự theo dõi và biểu diễn ra thành biểu đồ các chỉ số về nhu cầu của đàn heo trong chính trại mình (những con số này sẽ sát thực với trại của chúng ta hơn). Ví dụ như 2 biểu đồ trong hình 1 và 2 – biểu thị cho nhu cầu của heo với lysine và protein. 

Hình 1: Nhu cầu tiêu hóa lysine của heo thí nghiệm trên 2 trang trại PIC và trang trại KSU 


Hình 2: Mối quan hệ giữa việc tiêu thụ năng lượng và lắng đọng protein trên heo đực và heo đực thiến từ 45-90 kg (theo Campbell và các cộng sự, 1988)

9. Điều chỉnh lượng thức ăn cho heo linh động, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển.
Nhu cầu dinh dưỡng của heo không cố định trong suốt quãng đời và cũng không phải chỉ thay đổi có 1 vài lần mà là thường xuyên biến đổi (bình thường chúng ta chỉ thay đổi khẩu phần ăn 2-3 lần từ lúc sơ sinh đến khi xuất bán: thức ăn tập ăn, thức ăn cho heo choai, thức ăn heo vỗ béo). Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể điều chỉnh chế độ ăn sát theo nhu cầu của heo tại mỗi thời điểm thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và cải thiện đáng kể các chỉ số như ADG và FCR. 

Hình 3: Nhu cầu lysine theo từng giai đoạn phát triển của heo so với mức lysine trong một khẩu phần ăn bình thường 
Khi số gam lysine/ngày không đủ so với nhu cầu cơ thể heo cần, các chỉ số ADG hay FCR cũng giảm đáng kể. Nó giống như việc khi chúng ta ăn quá nhiều nhưng không hiệu quả dẫn tới tăng chi phí thức ăn – một nguyên nhân gây lãng phí cực kỳ nhiều.
 
10. Điều chỉnh lượng thức ăn chăn nuôi cho heo linh động, phù hợp tùy theo giới tính của heo.
Việc tách riêng heo đực và heo cái cũng cần phải xem xét và cân nhắc vì mỗi loại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau nên khi gộp chung chúng lại với nhau thì có thể sẽ xảy ra một số trường hợp như: heo cái thì ăn quá nhiều, heo đực lại bị giảm tăng trưởng.
 
11. Kiểm tra định kỳ, điều chỉnh khẩu phần thức ăn chăn nuôi cho heo thường xuyên.
Các đặc tính dinh dưỡng của thức ăn có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy chúng ta nên định kỳ liên hệ với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi (nhiều trường hợp trại tự trộn thức ăn thì trại tự kiểm tra lại) để xem xét việc cung cấp kịp thời loại thức ăn phù hợp cho heo trong từng giai đoạn phát triển.
 
Chúng ta cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn cho heo con, không nên cho chúng ăn quá mức cần thiết và nên nhớ mục tiêu của giai đoạn cai sữa là chế độ ăn có giá cả “hợp lý, vừa phải, tiết kiệm”. 

12. Không nên để heo “ăn quá nhiều”.
Không có mấy khi heo rơi vào trường hợp ăn quá nhiều. Mà heo “ăn quá nhiều” nghĩa là, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn vào cuối giai đoạn vỗ béo thường giảm đáng kể nên mặc dù heo rất thèm ăn ta cũng có thể giảm lượng thức ăn thu nhận cho heo ở giai đoạn này mà không sợ ảnh hưởng quá nhiều tới các chỉ số như tăng trọng/ngày (ADG) hay chỉ số tiêu tốn thức ăn/ kg tăng trọng (FCR). Vì giai đoạn này, cho heo ăn nhiều nó cũng không thể hấp thu được hết dẫn đến lãng phí thức ăn.
 
Ngoài ra, theo Myers và các cộng sự năm 2011 cho biết, heo thuộc giai đoạn từ 40-70kg thường có 58% thức ăn thừa bao phủ bên ngoài bề mặt máng ăn, heo trên 70kg thì tỷ lệ đó giảm xuống còn khoảng 28%. Cho nên, chúng ta cần điều chỉnh lượng thức ăn chăn nuôi vừa phải sao cho heo vừa đủ ăn, tiết kiệm, không lãng phí. 

Hình 4: lượng thức ăn chăn nuôi thu nhận trong 6 tháng thời kỳ mang thai và cho con bú của heo nái (Nguồn: Swine day, 2005).

14. Đơn giản hóa chế độ ăn cho heo để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nếu thiết kế riêng từng khẩu phần thức ăn chăn nuôi cho phù hợp với từng trang trại, từng giai đoạn, đối tượng heo thì chi phí có thể tăng lên rất cao mà hiệu quả chưa chắc đã được như ý muốn. Đôi khi, các chế độ ăn uống phải kết hợp với từng phương pháp quản lý cụ thể mới cho ra hiệu quả tối ưu. Trước khi quyết định chọn chế độ ăn cũng như phương pháp quản lý chúng ta nên đánh giá chi phí, lợi ích dinh dưỡng, hiệu quả tăng trưởng, vân vân... rồi mới nên quyết định chọn phương án nào.
 
Tóm lại, có rất nhiều yếu tố ngoài khẩu phần ăn và công thức thức ăn cũng góp phần trực tiếp vào việc làm tăng hoặc giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi heo như: thiết bị dụng cụ, cách chăm sóc quản lý, sức khỏe tổng thể, di truyền học…Cho nên, nếu muốn giảm chi phí thức ăn chăn nuôi một cách hiệu quả, chúng ta cần kiểm soát tốt tất cả các yếu tố ảnh hưởng đó.
 
(Hết)
 
Theo Pig333.com và Vietdvm.com
Liên hệ cho chúng tôi qua Zalo
Liên hệ cho chúng tôi qua Facebook
Liên hệ cho chúng tôi qua Youtube
Liên hệ cho chúng tôi qua Tiktok
Liên hệ cho chúng tôi qua Hotline