news

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI GIA CẦM

Biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa lớn đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Theo báo cáo của Renaudeau et al.2012, sự nóng lên toàn cầu có tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi bao gồm giảm tốc độ tăng trưởng, giảm hiệu suất sinh sản và tăng tỉ lệ mắc các bệnh trên gia cầm do thay đổi thời tiết. Dưới đây là sơ đồ minh họa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm (nguồn: M. O. Abioja, J. A. Abiona, 2021)
Sơ đồ minh họa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm
Hình ảnh: Sơ đồ minh họa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm (Sưu tầm)

Một cách trực tiếp, hiệu suất tăng trưởng của gia cầm bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi thời tiết. Sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm gây áp lực lên sự cân bằng nội môi đồng thời gây ra nhiều tác động tiêu cực ở gia cầm. Đặc biệt, trong điều kiện môi trường nắng nóng, lượng tiêu thụ thức ăn sẽ bị giảm để hạn chế quá trình sinh nhiệt, các chất dinh dưỡng được cung cấp sẽ được chuyển hóa cho quá trình tỏa nhiệt thay vì tham gia vào quá trình tạo cơ, từ đó hiệu quả tiêu hóa và đồng hóa chất dinh dưỡng trong đường tiêu hóa của gia cầm bị giảm mạnh.

Theo nghiên cứu của Santos et al. 2015, các tế bào biểu mô ruột sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Sự giãn mạch của các mạch máu ngoại vi sẽ làm giảm lưu lượng máu qua đường tiêu hóa, do đó làm giảm hiệu quả tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
           


Ngoài ra, đối với gia cầm đẻ, nhiệt độ tăng sẽ làm giảm số lượng và kích thước trứng được tạo ra. Các đặc điểm chất lượng bên trong và bên ngoài của trứng bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự thay đổi của điều kiện thời tiết xung quanh. Nhiệt độ môi trường cao làm giảm khả năng nở trứng và chất lượng gia cầm con trong đàn giống (Ayo et al.2011). Tác động của biến đổi khí hậu sẽ được thể hiện thông qua sự giảm tổng hợp và giải phóng các hormone sinh sản (FSH, LH, progesterone, estrogen và testosterone) dẫn đến làm giảm hiệu suất sinh sản ở gia cầm.
                                                 

Mặt khác, việc thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa xen kẽ sẽ là điều kiện để mầm bệnh sinh sôi và phát triển, làm cho đàn gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, nếu chăm sóc không đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển, gây bệnh cho đàn vật nuôi. Trên gia cầm, khi thời tiết thay đổi sẽ dễ xuất hiện 1 số bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, cầu trùng, tụ huyết trùng,…Tất cả những yếu tố này giảm tỉ trọng và chất lượng thịt gia cầm.


Có thể thấy biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét ở nước ta, gây nhiều tác động tiêu cực cho hoạt động chăn nuôi gia cầm, do đó cần phải xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo điều hòa khí hậu, cung cấp đủ dinh dưỡng để vật nuôi có thể thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu nhằm hướng tới ngành chăn nuôi bền vững.

Liên hệ cho chúng tôi qua Zalo
Liên hệ cho chúng tôi qua Facebook
Liên hệ cho chúng tôi qua Youtube
Liên hệ cho chúng tôi qua Tiktok
Liên hệ cho chúng tôi qua Hotline